Tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trong 2 năm qua diễn ra chậm so với kế hoạch, đặc biệt Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2022. Đến nay vẫn còn 2 Thông tư, 17 văn bản hướng dẫn chưa được ban hành; gần 20 địa phương chưa được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua Nghị quyết và thực hiện phân bổ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn…
Ngày 5/8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
BỔ SUNG THÊM NHIỀU CHỈ TIÊU MỚI
Trước đó, ngày 4/8, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Công điện 698/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Công điện, đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã ban hành gần 80 văn bản pháp lý và giao kế hoạch nguồn ngân sách Trung ương năm 2022, làm cơ sở để các cơ quan, địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn và triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai các chương trình Mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm trong khi Kế hoạch vốn phải giải ngân rất lớn, riêng vốn ngân sách trung ương năm 2022 đã là hơn 34.000 tỷ đồng.
Đến nay vẫn còn 2 Thông tư, 17 văn bản hướng dẫn của các Bộ, cơ quan Trung ương chưa được ban hành; gần 20 địa phương chưa được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua Nghị quyết và thực hiện phân bổ vốn ngân sách Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 5/8, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết mục triêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Theo ông Sơn, bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cơ bản vẫn giữ nguyên bố cục và nội hàm của bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 (gồm 19 tiêu chí). Tuy nhiên, điểm mới của bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 là số lượng chỉ tiêu tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn trước (gồm 57 chỉ tiêu).
Về tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao cũng được bổ sung và điều chỉnh, bổ sung thêm 34 tiêu chí mới, điều chỉnh 6 chỉ tiêu để phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được bổ sung tăng 22 chỉ tiêu và tiêu chí huyện Nông thôn mới nâng cao cũng tăng 12 chỉ tiêu. Riêng huyện nông thôn mới kiểu mẫu thì tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022, Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện huyện Nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
KẾT HỢP HÀI HÒA GIỮA LỢI ÍCH KINH TẾ VÀ GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
Tại hội nghị, nhiều địa phương đã nêu những vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới. Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết khó khăn hiện nay của tỉnh Hoà Bình là lồng ghép 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Cụ thể: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững, nguồn lực hỗ trợ đều hướng tới các mục tiêu, đối tượng hỗ trợ riêng, chưa hoàn toàn hướng tới việc hỗ trợ để các xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
"Mỗi địa phương cần dựa vào thế mạnh vùng miền để tạo ra sự khác biệt, đa dạng trong xây dựng nông thôn mới. Chính sự khác biệt đó sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, để tạo ra sự thu hút từ đời sống nông thôn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt được mà còn lưu giữ được những di sản nét đẹp văn hóa đặc trưng".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vì vậy, các xã thuộc diện hỗ trợ của 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia trên hoàn thành mục tiêu đề ra nhưng cũng không bắt buộc phải đạt chuẩn nông thôn mới.
“Thực hiện nông thôn mới được coi là gốc nhưng nếu không được quy hoạch thì cực kỳ khó cho các tỉnh làm cơ sở để lồng ghép, bố trí nguồn vốn đối ứng trong các dự án. Hay làm sao lồng ghép 3 trình Mục tiêu quốc gia trên một địa bàn để tránh trùng lặp về đối tượng, mục tiêu, nội dung”, ông Hà Trọng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nói.
Ông Trần Song Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đưa ra đề nghị các bộ ngành trung ương nên giao vốn sớm để các địa phương triển khai. Ngoài ra, nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn thấp, trong khi yêu cầu về tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới lại nâng cao. Đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn cần một nguồn lực rất lớn cho xây dựng nông thôn mới.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn cho chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021-2022 phân bổ cho các tỉnh là 30.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, cho rằng hình ảnh nông thôn mới phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giá trị truyền thống.
(Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam)
Mời xem thêm
THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2022 – THÊM MỘT SỰ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ CỦA PHÂN BÓN ĐIỀN GIA
PHÂN BÓN ĐIỀN GIA TRONG NỖ LỰC VƯƠN LÊN THÀNH THƯƠNG HIỆU ĐƯỢC YÊU THÍCH