0943 399 989


Nông dân Bình Phước tìm cách ứng phó với giá phân bón tăng cao - Phân bón Điền Gia

Ngày đăng: 03/08/2022 12:27 PM

    Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật “sốt giá” là vấn đề được nhắc đến liên tục nhiều tháng qua. Bởi đây là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của nông dân. Trước thực tế này, nông dân đã chủ động điều chỉnh phương thức canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật để giảm lượng phân bón; đồng thời sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân vô cơ, giúp giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo năng suất cây trồng.

    Nông dân Xoay xở trước “bão” giá phân bón

    Gia đình anh Tô Long ở thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng có hơn 5 ha cây ăn trái và cây công nghiệp. Giá phân bón tăng cao, trong khi thời tiết mưa nhiều khiến năng suất cây ăn trái giảm mạnh buộc anh phải tính toán nhằm cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Để ứng phó với giá phân bón tăng cao, anh Long giảm tần suất, liều lượng sử dụng phân hóa học, tăng cường bón phân chuồng tự ủ hoặc các loại phân hữu cơ khác. Nếu trước đây mỗi năm bón 3 đợt phân thì năm nay chỉ bón 1 đợt, thay vào đó anh chuyển qua bón phân bò để giảm chi phí sản xuất. Anh Long chia sẻ: “Tôi sử dụng phân chuồng làm phân bón bón thêm cho vườn cây. Năm nay, giá phân bón tăng cao trong khi chôm chôm mất mùa, gia đình tôi phải tính toán nhằm cắt giảm tối đa chi phí. Làm nông nghiệp, tôi chỉ mong giá phân bón giảm hoặc ổn định để nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập”.

    Cũng như gia đình anh Long, với hơn 1 ha tiêu, hộ anh Hứa Quốc Hùng ở thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng sử dụng phân chuồng thay thế phân hóa học để bón cho cây trồng nhằm giảm chi phí sản xuất. Anh Hùng cho biết, từ cuối năm 2021, khi giá phân bón tăng cao, gia đình đã mua phân chuồng tại các trang trại chăn nuôi về ủ để bón cho cây. Qua quá trình sử dụng cho thấy, phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, cây dễ hấp thu dinh dưỡng lại thân thiện với môi trường. Ngoài ra, anh cũng hạn chế thuê người thu hái mà thực hiện đổi công với bà con trong xóm để giảm chi phí với mục tiêu “lấy công làm lãi”. Anh Hùng cho biết: “Giá phân NPK tăng gần gấp đôi nên phải dùng phân hữu cơ là chính. Gia đình tôi mua phân gà, phân bò về ủ, còn phân NPK chỉ bón vào những thời điểm cần thiết để giảm chi phí đầu tư”.

     Khuyến khích sử dụng phân hữu cơ làm phân bón

     Gia đình ông Nguyễn Văn Thế ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú có gần 2 ha bưởi da xanh. Hộ ông đang từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng lượng phân hữu cơ cho cây trồng. Ông Thế cho biết, nếu nông dân không quyết định được giá phân bón thì phải làm chủ được giá đầu vào bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí.

    Để có trái bưởi đưa ra thị trường, ông Thế phải đầu tư cho các công đoạn: tưới nước, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hái…; trong đó, phân bón chiếm tới 50% chi phí. Vì vậy, từ năm 2020 khi giá phân bón bắt đầu tăng cao, ông đã mua phân tại các trang trại chăn nuôi về ủ bón cho cây. “Tôi nhận thấy, mặc dù phân hữu cơ không có tác dụng nhanh như phân vô cơ nhưng có ưu điểm là thân thiện với môi trường, chi phí thấp. Và cách làm của tôi hoàn toàn hợp lý trong thời điểm giá phân bón tăng cao cũng như hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững như hiện nay” - ông Thế cho biết.

    Theo nhiều nông dân, từ cuối năm 2020, giá phân bón liên tục tăng cao, đặc biệt từ đầu năm đến nay, giá phân bón lập mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Trước thực tế này, ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp, ngành chức năng đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ cân đối và hiệu quả theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, chủ động trong quản lý, chăm sóc vườn cây để giảm chi phí đầu vào.

    Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm vườn, tăng cường quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây trồng, sử dụng hợp lý lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời sử dụng phế phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt ủ phân hữu cơ để tiết giảm chi phí.

     Giá phân bón liên tục tăng và đang ở mức cao khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó. Áp lực giá phân bón vô cơ tăng cao, người nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giảm bón phân hóa học, tăng cường phân hữu cơ, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Điều này cũng góp phần cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường, nhất là kéo giảm chi phí đầu vào khi giá phân bón đang ngày càng tăng cao.

    (Theo báo Bình Phước)

    Mời xem thêm

    XỬ LÝ NẤM HIỆU QUẢ VỚI CHẾ PHẨM TRICHO PLUS – PHÂN BÓN ĐIỀN GIA 

    BÓN NPK CHO HOA HỒNG ĐÚNG CÁCH – PHÂN BÓN ĐIỀN GIA

     

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Hotline
    Hotline