Giá phân bón tăng cao từ đầu năm 2021 đến nay khiến người nông dân rơi vào khó khăn. Vậy giải pháp nào hỗ trợ bà con nông dân trong bối cảnh này?
Giá phân bón tăng, giá nông sản giảm
Một nghịch lý là từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trên thế giới và cả trong nước đều tăng. Nhưng giá nông sản lại không tăng theo biên độ giá phân bón, thậm chí có nơi giá nông sản còn xuống thấp do gặp khó khăn về xuất khẩu. Chính vì thế, trong khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có mức lợi nhuận cao thì bà con nông dân lại đối diện với nhiều khó khăn, thậm chí nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng bỏ ruộng khi giá vật tư đầu vào tăng quá cao.
Ông Nguyễn Văn Nam - người nông dân trồng ổi ở xã Tân Việt - huyện Thanh Hà - Hải Dương cho biết: Những năm trước, với 5 mẫu ổi, mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 130 triệu đồng. Nhưng 2 năm gần đây, giá phân bón các loại đã tăng lên hơn gấp đôi, trong khi giá ổi bán ra vẫn không hề tăng. Thậm chí thời điểm tháng 7 – tháng 8 năm 2021, rất nhiều hộ gia đình trồng ổi tại huyện Thanh Hà (trong đó có gia đình ông) đã phải lên tiếng nhờ “giải cứu” vì ổi rớt giá còn 1.000đ/kg! Giá ổi quá rẻ nên nhiều gia đình còn không đi thu hái, chăm sóc, thậm chí còn chặt cây đi vì trừ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm bón là lỗ vốn!
Trên cả nước, tình trạng người nông dân bỏ ruộng do giá phân bón tăng cao ngày càng nhiều. Mới đây, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết hiện Long An có hàng ngàn hecta giảm trong vụ hè thu là do người dân bỏ lúa. Vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của "bão giá", đặc biệt là phân bón vật tư nông nghiệp nên nông dân Long An đã giảm diện tích trồng lúa hơn 4.000ha. So với cùng kỳ 2021 thì diện tích lúa tại Long An giảm. Nguyên nhân chính do người dân trồng lúa không có lợi nhuận (nhất là người trồng lúa thuê) đã trả đất cho chủ ruộng.
Như vậy, có thể thấy đang có sự “lệch pha” giữa giá vật tư đầu vào và giá nông sản đầu ra. Điều này đặt ra các cơ quan quản lý, điều hành chính sách cần có những giải pháp gì để cân bằng và phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân?
Giá phân bón vận hành theo cơ chế thị trường
Thực tế, hiện giá phân bón trong nước của Việt Nam tương đương với mặt bằng chung giá phân bón trên thị trường thế giới. Giá phân bón tăng cao gần 2 năm trở lại đây phần lớn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đại dịch Covid 19 và cuộc xung độ Ukraina - Nga càng khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy và tăng phi mã.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, việc các phân bón trong nước giảm giá bán sản phẩm thấp hơn hẳn giá thị trường thế giới để chia sẻ gánh nặng cho bà con nông dân là khó khả thi. Vì bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân bón lại không có thẩm quyền giảm thấp hơn giá bán ngoài thị trường nếu không có chỉ đạo từ cơ quan chủ quản cũng như lý do chính đáng mang tính pháp lý rõ ràng.
Bởi nếu doanh nghiệp bán phân bón thấp hơn giá thị trường, sau này khi kiểm toán, thanh tra vào cuộc, việc chứng minh sẽ rất khó. Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Thậm chí, doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ bị quy trách nhiệm móc nối với đại lý bán giá thấp để ăn chênh lệch ngoài hợp đồng làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng chia sẻ: Thực tế, hiện các đơn vị sản xuất phân bón trong nước đều phải mua nguyên liệu đầu vào và giá than, giá khí (than và khí chiếm tới 70% giá thành sản xuất phân urê) theo giá thị trường, không có bất kỳ một sự trợ giá nào. Như vậy, trong bối cảnh giá tất cả các nguyên liệu đều tăng, việc đầu ra sản phẩm phân bón nếu không vận hành theo giá thị trường trong nước và thế giới là rất khó cho doanh nghiệp.
Theo Báo Công Thương
Mời xem thêm
ĐỌC BÁO CÙNG PHÂN BÓN ĐIỀN GIA | VĨNH LONG: BÁN PHÂN BÓN KHÔNG QUY CHUẨN, KHÔNG NƠI SẢN XUẤT, BỊ PHẠT 74 TRIỆU ĐỒNG
PHÂN BÓN ĐIỀN GIA - BẠN BIẾT GÌ VỀ THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM?