Ủy ban châu Âu công bố một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như hạ nhiệt đà tăng giá phân bón cho nông dân trong khối 27 quốc gia thành viên.
Theo đó, các kế hoạch trước mắt của Ủy ban châu Âu bao gồm loại trừ các nhà sản xuất phân bón phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên, hỗ trợ tài chính cho nông dân và tự do hóa dòng chảy thương mại phân bón quốc tế.
Giải thích về cuộc khủng hoảng phân bón hiện nay vẫn chưa tín hiệu khả quan, các quan chức của Ủy ban châu Âu đổ lỗi cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu là nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao kỷ lục. Theo ước tính, giá phân bón đã tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái kể từ tháng 9 năm 2021.
Theo Hiệp hội thương mại phân bón châu Âu, trong năm 2021 khối này đã sản xuất ra 18,3 triệu tấn phân bón dinh dưỡng phục vụ sản xuất lương thực và đồng thời cũng tiêu thụ tới 17 triệu tấn. Nhìn chung, toàn bộ 134 triệu ha đất nông nghiệp ở lục địa già đều phải dùng phân bón.
Mặc dù liên minh châu Âu (EU) là nhà sản xuất phân bón quan trọng trên toàn cầu, nhưng khối này lại phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguồn khí đốt tự nhiên, phốt phát và kali để sản xuất phân bón.
Cụ thể trong mùa hè năm nay, giới chức EU đã tính toán rằng, khí đốt tự nhiên chiếm tới 90% chi phí sản xuất biến đổi hay còn gọi là “biến phí” của amoniac, một thành phần chính của sản xuất phân bón. (Biến phí là những khoản chi phí phải chi trả tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra một sản phẩm như nguyên liệu, chi phí công nhân, bao bì, chi phí sản xuất... Biến phí sẽ thay đổi khi quy mô, sản lượng sản xuất thay đổi).
Tính đến tháng 8, khi giá khí đốt tự nhiên ở EU đạt đỉnh, ngành công nghiệp này đã buộc phải tạm dừng hoạt động tới 70% công suất. Ngoài ra khối đã cố gắng giảm thiểu những tác động dây chuyền, bằng cách đề xuất giảm thuế nhập khẩu amoniac và urê, một thành phần phân bón khác.
Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà máy sản xuất phân bón ở EU vẫn chỉ đang hoạt động cầm chừng với 50% công suất. Tuy nhiên, các giới chức EU cảnh báo rằng hoạt động xuất khẩu sụt giảm và giá phân bón tiếp tục tăng, buộc nông dân trong khối đang phải đưa ra những quyết định khó khăn.
“Giá phân bón cao ảnh hưởng đến quyết định mua sắm vật tư sản xuất và trồng trọt của nông dân, và điều này có thể ảnh hưởng đến vụ thu hoạch mùa vụ sắp tới cũng như đóng góp của EU đối với an ninh lương thực và khả năng chi trả toàn cầu”, Ủy ban châu Âu cảnh báo trong một báo cáo.
Về dài hạn, EU đã lên kế hoạch cắt giảm nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, và đồng thời giảm việc sử dụng phân bón dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trước mắt, ủy ban đã công bố một loạt hành động trong khối và quốc tế để hỗ trợ nông dân.
Ông Janusz Wojciechowski, ủy viên nông nghiệp của châu Âu, cho biết trong một Tweet: “Trong ngắn hạn, chúng tôi đã vạch ra các hành động để đảm bảo nguồn cung phân bón và khả năng chi trả ngay lập tức. Với tư cách là những người đóng góp chính cho lĩnh vực thực phẩm, các nhà sản xuất phân bón có thể được ưu tiên tiếp cận liên tục và không bị gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên trong trường hợp phải phân bổ do tình trạng khan hiếm”.
Ủy ban châu Âu cũng cho biết, đã sửa đổi khung pháp lý trong trường hợp khủng hoảng tạm thời để hỗ trợ nông dân và nhà sản xuất phân bón. “Chúng tôi đã tăng cường khả năng linh hoạt và hỗ trợ cho các công ty sản xuất phân bón bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng tăng cao”, ông Wojciechowski cho biết.
Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ sớm giải ngân gói ngân sách 450 triệu euro từ nguồn dự trữ nông nghiệp để bù đắp những gì mà nông dân đang phải gánh trả cho chi phí đầu vào tăng cao.
Ngoài ra EU cũng lên kế hoạch khuyến khích nông dân trong khối đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ và điều tiết thị trường chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng sốc giá. Trên trường quốc tế, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ vận động hành lang để tránh hạn chế xuất khẩu phân bón và thúc đẩy tính minh bạch của thị trường phân bón toàn cầu...
(Theo Nông nghiệp. vn)