Sáng 11-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi làm việc với Sở NN-PTNT và các địa phương về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp của ngành Nông nghiệp 6 tháng cuối năm 2022.
Tuy gặp khá nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao trong khi giá một số loại nông sản giảm thấp nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 22,8 ngàn tỷ đồng, tăng 4,32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng sản phẩm nông, lâm, thủy trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt gần 11,1 ngàn tỷ đồng, tăng 4,19% so cùng kỳ (cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước là 2,78%); là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam bộ. Tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chuyển dịch đúng hướng trong tổng GRDP toàn tỉnh, giảm từ 10,56% năm 2021 xuống còn 9,32% trong 6 tháng đầu năm 2022. Toàn tỉnh có thêm 4 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 11 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị liên quan đã thảo luận, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp và các địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan; kinh nghiệm triển khai vào thực tế để bàn giải pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, các hoạt động của ngành Nông nghiệp tỉnh 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tốt, nhất là tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát. Các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thủy sản của tỉnh đã tham gia vào các chuỗi liên kết, chế biến nên có đầu ra ổn định. Giá trị xuất khẩu của nhiều nông sản tăng, nhiều nông sản xuất khẩu là sản phẩm chế biến sâu. Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết, chương trình của ngành còn chậm; vẫn còn nhiều vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT cần cụ thể hóa và hoàn thiện dự thảo các chương trình hành động để triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các nghị quyết, chương trình phát triển sản xuất trong giai đoạn mới. Các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện việc đăng ký chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là việc sắp xếp giết mổ; cần tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.
(Theo báo Đồng Nai)
Mời xem thêm
THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2022 – THÊM MỘT SỰ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ CỦA PHÂN BÓN ĐIỀN GIA