Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt qua con số của cả năm 2021. Tuy nhiên, trong nước, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga lại tăng đột biến.
Xuất khẩu phân bón tăng 2,8 lần so với cùng kỳ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước trong tháng 6 đạt 217 nghìn tấn, tương đương 147 triệu USD, tăng 64% về lượng và tăng 68% về giá trị so với tháng 5.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng xuất khẩu phân bón trong 6 tháng đầu năm lên mức 998 nghìn tấn với kim ngạch 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng tới 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ.
Con số 647 triệu USD của 6 tháng đầu năm đã vượt qua kết quả xuất khẩu của cả năm 2021. Năm 2021, cả nước xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn, thu về 559 triệu USD.
Với mức giá bình quân 646 USD/tấn, giá xuất khẩu phân bón 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng trong tháng 6 giá xuất khẩu phân bón đã nhích 2,5% so với 5, lên 679 USD/tấn.
Đà tăng này chủ yếu là do các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội thị trường đẩy mạnh bán ra ở thời điểm nguồn cung phân bón toàn cầu khan hiếm, giá cả tăng phi mã.
Nhìn cụ thể vào các doanh nghiệp trong nước, việc đẩy mạnh xuất khẩu khi giá cao đã giúp kết quả kinh doanh 6 tháng của nhiều công ty vượt kế hoạch.
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy, 6 tháng đầu năm Vinachem đạt doanh thu 32.830 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2021, bằng 63% kế hoạch năm. Vinachem cũng ghi nhận con số lợi nhuận cao kỷ lục 4.098 tỷ đồng, vượt qua mức lãi khoảng 3.500 tỷ đồng cả năm 2021.
Trong đó, nổi bật lên chính là doanh thu nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ước đạt 19.435 tỷ đồng, tăng 46% và chiếm gần 60% tổng doanh thu.
Nhập khẩu phân bón từ Nga tăng đột biến
Mặc dù xuất khẩu phân bón có bước tăng trưởng vượt bậc, nhưng ở chiều ngược lại, thị trường trong nước đang ghi nhận lượng phân nhóm nhập khẩu từ Nga tăng đột biến.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 1,8 triệu tấn phân bón, tương đương 856 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng nhưng tăng 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, phân bón nhập từ Nga có tốc độ tăng trưởng đột biến. 5 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón từ nước này đạt 86,8 triệu USD, tăng hơn 59% so với cùng kỳ 2021.
Xếp sau Nga là thị trường Trung Quốc với con số nhập khẩu phân bón tăng 27,7%. Hiện Nga và Trung Quốc là hai quốc gia chiếm tỷ trọng xuất khẩu phân bón lớn nhất sang Việt Nam, lần lượt chiếm 38,9% và 11,8%.
Ông Bùi Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Swissfertz Việt Nam - doanh nghiệp giới thiệu phân bón NPK của Nga vào Việt Nam - cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của phân bón Nga sang Việt Nam 10 năm qua ở mức 15-20%. Ông Trường cũng cho biết, thời gian tới nếu Việt Nam thuận lợi trong vận chuyển và lượng hàng nhập về khoảng 300.000-400.000 tấn một năm, giá sẽ hấp dẫn hơn và khi đó người dân được hưởng lợi. Đây cũng là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh giá phân bón trong nước và thế giới tăng cao.
Hiện thị trường trong nước ghi nhận giá một số loại phân bón đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhất là giá ure. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu phân bón hiện ở mức thấp do các vùng trồng nông sản vừa đến vụ thu hoạch. Ngoài ra, tình hình giá thế giới giảm khiến giá ure trong nước cũng giảm theo. Tại thị trường Trung Quốc, giá ure liên tiếp có những phiên giảm trong 1 tháng trở lại đây. Giá ure hiện đã giảm 8% so với cuối tuần trước và giao dịch ở 2.684 nhân dân tệ/tấn (400 USD/tấn). Giá mặt hàng này giảm từ giữa tháng 6 và hiện thấp hơn đỉnh khoảng 20%.
Khảo sát khu vực Tây Nam Bộ, mặt hàng ure giảm nhẹ 10.000 đồng/bao so với 2 ngày trước đó. Hiện Urê Cà Mau đang có giá 770.000 đến 780.000 đồng/bao. Urê Ninh Bình đang có giá 760.000 đến 770.000 đồng/bao.
Tuy nhiên, cũng không thể vội mừng, các chuyên gia dự báo rằng: khả năng sẽ có các đợt tăng giá tiếp theo nhất là giai đoạn các nước bước vào mùa cao điểm sản xuất nông nghiệp.
Theo Fertilizer Pricing, thị trường quốc tế ghi nhận giá phân bón đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây chỉ là sự suy giảm tạm thời do yếu tố thấp điểm của mùa vụ. Khả năng sẽ có các đợt tăng giá tiếp theo nhất là giai đoạn các nước bước vào mùa cao điểm sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, than và khí tự nhiên, hai nguyên liệu chính để sản xuất phân bón, sau một thời gian ngắn ổn định, gần đây đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo Báo Công Thương
Mời xem thêm