Tổng thống Nga Putin ủng hộ ý tưởng về việc Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi dỡ phong tỏa đối với 260.000 tấn phân bón mà công ty Uralchem đang sẵn sàng cung cấp miễn phí.
Ngày 23/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng mở rộng xuất khẩu phân bón ra thị trường thế giới và hợp tác với tất cả các đối tác trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban sản xuất và kinh doanh phân khoáng thuộc Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP), ông Dmitry Mazepin - Chủ tịch Tập đoàn phân bón Uralchem, Tổng thống Putin đã phản đối việc chặn nguồn cung phân bón đến những nước có nhu cầu.
Theo ông, những rào cản này sẽ chỉ tác động tiêu cực đến thị trường thế giới. Bất chấp những cản trở này, Nga vẫn đang xúc tiến hoạt động xuất khẩu, sẵn sàng mở rộng cung ứng cho tất cả các đối tác mà không có ngoại lệ.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng tập đoàn Uralchem là một trong những nhà sản xuất phân nitơ, phân kali và amoniac lớn nhất thế giới. Ông Putin ủng hộ ý tưởng của ông Mazepin về việc Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) sẽ dỡ phong tỏa đối với 260.000 tấn phân bón mà công ty Uralchem đang sẵn sàng cung cấp miễn phí.
Theo ông Mazepin, hiện có hơn 400.000 tấn phân bón bị chặn tại các cảng của châu Âu do lệnh trừng phạt. Trong số này, Uralchem có 262.000 tấn tại các cảng Estonia, Latvia, Bỉ và Hà Lan, trong khi Acron có 52.000 tấn và EuroChem có 100.000 tấn. RSPP đang nỗ lực giải quyết vấn đề để đảm bảo cung cấp phân bón cho các thị trường đang phát triển, trong đó có châu Phi.
Trước đó, vào ngày 17/11, thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc biển Đen, được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ hết hạn vào ngày 19/11, đã được kéo dài thêm bốn tháng theo các điều khoản hiện hành.
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đang nỗ lực giải quyết những lo ngại của phía Nga liên quan đến phân bón, có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận vừa được gia hạn nói trên.
Nga muốn đảm bảo rằng ngũ cốc và phân bón xuất khẩu là một phần trong thỏa thuận trên, nhưng cho biết các tàu chở hàng của nước này đang chịu ảnh hưởng gián tiếp của các lệnh trừng phạt./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)